Site icon ECPMedia, phòng Marketing thuê ngoài trên 20 năm kinh nghiệm

Kinh tế Hàn Quốc thay đổi ra sao khi độc thân đang là xu thế?

Tại xứ sở kim chi, việc sống độc thân, tách biệt khỏi các buổi tụ tập hay những hoạt động cộng đồng không còn quá xa lạ. Theo sau đó, cả một nền kinh tế đang phục vụ những người thích sống độc thân này đang thực sự lên.

Độc thân là xu thế tại Hàn Quốc

Đối với lớp trẻ Hàn Quốc, thú vui thích sống một mình ở nhà cùng giao lưu trực tuyến với những streamer hay các chương trình giải trí trên mạng đã trở nên rất đỗi quen thuộc. Họ ăn nhậu trước màn hình, tự chụp hình selfie rồi gửi lên các trang web giao lưu trực tuyến. Những streamer hay thành viên trong cộng đồng sẽ cùng vào xem, bình luận và giao lưu.

Dù chỉ là giao lưu trực tuyến nhưng những công dân trẻ này lại cảm thấy thoải mái. Họ không phải cố gắng chứng minh điều gì cả, không phải gò ép theo khuôn phép hay cảm thấy tự ti về bản thân.

Trào lưu Mukbang-livestream ăn uống vô cùng phổ biến tại Hàn khi ngày càng nhiều người độc thân dùng bữa một mình muốn được giao lưu khi ăn

Tại Hàn Quốc, số hộ gia đình đơn thân tăng lên rõ rệt đã tạo nên một làn sóng kinh doanh, giao lưu trực tuyến. Trước nhu cầu muốn được tương tác xã hội nhưng vẫn giữ được sự riêng tư của lớp trẻ Hàn Quốc, các chương trình giải trí online ngày một tăng.

Báo cáo của Statistic Korea cho thấy số hộ gia đình đơn thân tại Hàn Quốc đã tăng lên đến 6,17 triệu người và dự báo con số này sẽ còn tăng bình quân 150.000 hộ mỗi năm.

Tương tự, khảo sát của tập đoàn tài chính KB Financial Group cho thấy 60% dân số thành thị ở Hàn Quốc cảm thấy hài lòng khi sống độc thân. Thông thường những người này thường về thẳng nhà sau khi tan làm hoặc hết tiết học, trong khi văn hóa tụ tập cuối ngày của Hàn Quốc dần xói mòn trước xu thế độc thân của giới trẻ.

Năm 2019, khoảng 70% số người được hỏi cho biết dành chút thời gian cho các hoạt động xã hội như mua sắm, hẹn hò, tụ tập trước khi về nhà thì trong năm nay, khoảng 50% số người được hỏi cho biết sẽ về thẳng nhà.

Dù diễn biến của tình hình dịch Covid-19 là một phần nguyên nhân song xu thế sống độc lập, thích sự riêng tư cùng những khó khăn về kinh tế đã thúc đẩy lối sống một mình ở Hàn Quốc. Việc tụ tập bên ngoài được xem là thứ “xa xỉ” khi chi phí sinh hoạt tăng cao, trong khi thu nhập của giới trẻ cũng như các cơ hội việc làm không khả quan bởi nền kinh tế giảm tốc.

Ngoài ra, văn hóa coi trọng danh dự, thể diện khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy không thoải mái khi cố phải ăn mặc, nói chuyện hay hòa mình vào số đông. Việc soi mói về thu nhập, việc làm cũng như so sánh sự nghiệp càng khiến giới trẻ Hàn ngày nay thu mình lại hơn so với các thế hệ đi trước.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ cùng độ phủ sóng mạnh mẽ của Internet tại Hàn Quốc cũng khiến lối sống độc thân ngày càng trở nên phổ biến.

Báo cáo của KB Financial cho thấy trước đây người Hàn Quốc thường tránh phải ăn cơm một mình nhưng giờ đây, những gia đình đơn thân dùng bữa một mình đến 10 lần mỗi tuần và xu thế này dần trở nên bình thường hơn trong mắt người trẻ. Thậm chí ngay cả khi buộc phải đi ăn ngoài, lớp trẻ Hàn cũng thường lựa chọn các quán ăn gần nhà hơn là tụ tập ở nơi đông người.

Nền kinh tế độc thân

Báo cáo của Kakao cho biết tỷ lệ người dùng ứng dụng hướng dẫn tập thể thao tại nhà ở Hàn Quốc đang ngày một tăng. Tương tự, những dịch vụ khác phục vụ cho cuộc sống độc thân tại Hàn cũng bùng nổ mạnh mẽ.

Trước bùng nổ đó, Startup Rewhite – ứng dụng thuê giặt là khô tại nhà với khoảng 50.000 thành viên và 420 đối tác cho biết trong năm tới, con số đối tác của hãng có thể đạt 1.500 người.

Hay nghiên cứu mới đây của hãng CJ CGV cũng cho hay tỷ lệ người đi xem phim một mình ở Hàn Quốc đang tăng lên nhanh chóng, từ 7,7% năm 2012 lên 17,1% năm 2019 và đạt tới 26,04% trong năm nay. Nhận thấy tiềm năng này, nhiều rạp phim đã giới thiệu các dịch vụ dành cho người độc thân. Ví dụ như Megabox Coex đã cho ra mắt những lô ghế ngồi xem phim một mình cho người độc thân, hay Cine Q cho mở những phòng chiếu chỉ với 30 ghế ngồi dành cho người đi xem đơn lẻ.

Thậm chí, những truyền thống đoàn tụ gia đình của người Hàn giờ đây cũng dần thay đổi trước lối sống độc thân của lớp trẻ. Mùa thu thường là dịp đoàn tụ gia đình của văn hóa Kimjang khi các thành viên quây quần làm kimchi cùng nhau, thế nhưng thói quen này đang bị xói mòn tại Hàn.

Một phụ nữ Hàn tự chúc mừng sinh nhật cùng bạn bè online

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy khoảng 56,2% số người được hỏi cho biết các gia đình giờ đây không còn tự làm kim chi nữa, thay vào đó họ đi mua tại siêu thị, tăng 1,3% so với năm 2019. Khoảng 62,6% số người được hỏi cũng cho biết họ thích mua kim chi ngoài siêu thị hơn tốn công tự làm của lấy từ gia đình, tăng 4,6% so với năm trước.

Hàng loạt các địa phương tại Hàn đã phải hủy bỏ những lễ hội liên quan đến văn hóa Kimjang do xu thế độc thân của giới trẻ. Nhiều công ty cũng cho ra mắt những sản phẩm kim chi nhỏ gọn hướng đến người độc thân hay những gia đình nhỏ. Ví dụ như chuỗi siêu thị GS Retail đã cho ra mắt dòng kim chi đóng hộp DIY, hướng đến các gia đình đơn thân.

Sự riêng tư là lựa chọn hàng đầu

Theo nhà sáng lập Kim Jae Huyn của Danggeun Market, một ứng dụng bán đồ cũ, khách hàng Hàn Quốc ngày nay có xu hướng chuộng mua sắm trong những cộng đồng riêng tư mà họ tin tưởng hơn là dựa vào những thương hiệu lớn.

Cụ thể, nhiều cộng đồng Hàn Quốc hiện nay thiết lập những nhóm giao lưu nhỏ để mua bán hay tương tác, nơi họ có thể tin tưởng và cảm thấy thoải mái khi giao tiếp.

Những quán nhậu đại trà giờ đây ngày càng vắng khách tại Hàn

Các nhà hàng hay quán bar Hàn Quốc cũng dần thu nhỏ diện tích, hướng đến hình thức kinh doanh riêng tư hơn với loại hình dịch vụ cho thuê phòng riêng, nhắm đến những nhóm nhỏ khách hàng.

Báo cáo của HS Ad cho thấy loại hình quán bar bí mật (Speakeasy bar) đã tăng đột biến tại Hàn Quốc trong vài tháng trở lại đây. Mô hình này xuất hiện từ những năm 1919 – 1930, thời điểm chính phủ Mỹ cấm bán rượu và các loại đồ uống có cồn (Prohibition Era). Chúng vốn là một dạng quán bar bí mật, khách hàng biết đến quán bằng việc truyền tai nhau (Word of mouth).

Bên cạnh đó, những quán phục vụ sushi riêng (Omasake) cùng đang được mở rộng tại Hàn Quốc khi lối sống độc thân và sự riêng tư ngày càng được đề cao.

>> Chiến lược phát triển Starbucks trở thành chuỗi cà phê hàng đầu Việt Nam

Nguồn tổng hợp

Exit mobile version