Trong những năm gần đây, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành một trong những sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn và phát triển bền vững tại Việt Nam. Vậy chứng nhận OCOP là gì và các tiêu chí đánh giá để sản phẩm đạt chứng nhận này bao gồm những gì?

Chứng nhận OCOP là gì? 

Chứng nhận OCOP là viết tắt của Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đây là chương trình quốc gia do Chính phủ Việt Nam triển khai nhằm mục đích phát triển kinh tế nông thôn bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Chứng nhận OCOP là gì? Các tiêu chí đánh giá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP

Sản phẩm OCOP là các sản phẩm và dịch vụ tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm Quốc gia (đạt chứng nhận OCOP). Cụ thể, theo Quyết định 919/QĐ-TTg, sản phẩm OCOP bao gồm các hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc từ địa phương, mang thương hiệu riêng và đặc trưng văn hóa cùng lợi thế của từng địa phương.

Các sản phẩm OCOP sẽ được đánh giá và phân hạng theo ba cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương. Sau khi đánh giá, các sản phẩm sẽ được phân loại từ 1 sao đến 5 sao và sẽ được cấp chứng nhận OCOP có giá trị trong vòng 36 tháng.

Các tiêu chí để đánh giá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP

Tiêu chí để một sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP được Chính phủ quy định rõ tại Quyết định 148/QĐ-TTg như sau:

Chứng nhận OCOP là gì? Các tiêu chí đánh giá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP

Phần A: Nhóm các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (40 điểm)

  • Tổ chức sản xuất: Sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương; gia tăng giá trị sản phẩm theo hướng chế biến sâu; mở rộng quy mô sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị; đảm bảo bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
  • Phát triển sản phẩm: Sản phẩm được phát triển dựa trên truyền thống địa phương.
  • Sức mạnh cộng đồng: Khuyến khích sản xuất theo mô hình hợp tác xã; sử dụng lao động địa phương; tổ chức kinh doanh hiệu quả và minh bạch.

Phần B: Nhóm tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm)

  • Tiếp thị: Khuyến khích có kênh phân phối sản phẩm từ địa phương tới quốc tế; có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến; tổ chức các hoạt động quảng bá chuyên nghiệp và thường xuyên để tăng hiệu quả quảng bá sản phẩm.
  • Câu chuyện về sản phẩm: Khuyến khích câu chuyện về sản phẩm hoàn chỉnh, trình bày bài bản, ấn tượng và mang sắc thái của địa phương.

Phần C: Nhóm tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (35 điểm)

  • Cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo: Đạt chuẩn chất lượng theo yêu cầu của từng loại sản phẩm.
  • Tiêu chuẩn sản phẩm: Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn và công bố theo quy định của pháp luật.
  • Khả năng xuất khẩu: Khuyến khích các sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế.

Phân hạng sản phẩm OCOP

Sau khi được đánh giá theo Bộ tiêu chí OCOP, sản phẩm sẽ được phân thành 5 hạng:

  • Hạng 5 sao (90-100 điểm): Sản phẩm đặc trưng có tiêu chuẩn chất lượng cao, đủ điều kiện để xuất khẩu.
  • Hạng 4 sao (70-90 điểm): Sản phẩm đặc trưng, đảm bảo yêu cầu chất lượng, có khả năng tiếp cận thị trường tốt và tiềm năng nâng cấp lên sản phẩm 5 sao.
  • Hạng 3 sao (50-70 điểm): Sản phẩm đặc thù, có lượng tiêu thụ ổn định và tiềm năng nâng cấp lên sản phẩm 4 sao.
  • Hạng 2 sao (30-50 điểm): Sản phẩm đang bắt đầu hình thành chất lượng cụ thể và có tiềm năng nâng cấp lên sản phẩm 3 sao.
  • Hạng 1 sao (1-30 điểm): Sản phẩm sơ khai, chưa được tiêu thụ rộng rãi nhưng có tiềm năng nâng cấp lên sản phẩm 2 sao.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình