Ngày 24/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí và Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP). Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá và phân hạng các sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Theo Quyết định này, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được chia thành 6 nhóm chính: thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; và dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Bộ tiêu chí OCOP trong giai đoạn 2021-2025 được chia thành 3 phần:
– Phần A: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (40 điểm)
- Tổ chức sản xuất: Đánh giá việc sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương, gia tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
- Phát triển sản phẩm: Đánh giá sự phát triển sản phẩm dựa trên truyền thống địa phương.
- Sức mạnh cộng đồng: Khuyến khích sản xuất theo mô hình hợp tác xã, sử dụng lao động địa phương và tổ chức kinh doanh hiệu quả.
– Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm)
- Tiếp thị: Khuyến khích có kênh phân phối từ địa phương đến quốc tế và chứng nhận quản lý chất lượng.
- Câu chuyện về sản phẩm: Khuyến khích xây dựng câu chuyện sản phẩm hoàn chỉnh và đặc sắc.
– Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (35 điểm)
- Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm: Đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của từng loại sản phẩm.
- Tiêu chuẩn sản phẩm: Đánh giá sản phẩm theo tiêu chuẩn và quy định pháp luật.
- Khả năng xuất khẩu: Đánh giá khả năng đạt chuẩn chất lượng quốc tế và phân phối tại thị trường quốc tế.
Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm là 100 điểm và được phân thành 5 hạng từ 1 sao đến 5 sao. Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP gồm 3 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương. Các sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao sẽ được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong 36 tháng kể từ ngày cấp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến tháng 7/2023, đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao.
Cả nước hiện có 5.069 chủ thể OCOP, bao gồm 38,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh và phần còn lại là tổ hợp tác. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tin tưởng và tín nhiệm.
Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử