Chương trình sản phẩm OCOP đã trở thành một trong những sáng kiến quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam. Tham gia chương trình OCOP không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp mà còn tạo động lực mạnh mẽ để nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu.
Chương trình sản phẩm OCOP là gì?
Chương trình sản phẩm OCOP (One Commune One Product) là một sáng kiến phát triển kinh tế nông thôn do Chính phủ Việt Nam khởi xướng. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ đặc trưng từ từng địa phương, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm này trên thị trường.
Chương trình OCOP tập trung vào việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, mang thương hiệu riêng, phản ánh nét văn hóa và lợi thế của từng vùng miền. Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP sẽ được đánh giá, phân loại và xếp hạng theo các tiêu chí nghiêm ngặt, từ đó nhận được chứng nhận OCOP. Sản phẩm đạt chứng nhận này sẽ được hỗ trợ về mặt quảng bá, tiếp thị, và phát triển thị trường, mở rộng khả năng tiếp cận từ thị trường nội địa đến quốc tế.
OCOP không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của từng địa phương. Đây là một trong những chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững và toàn diện tại khu vực nông thôn Việt Nam.
Những lợi ích khi tham gia chương trình sản phẩm OCOP
Lợi ích đối với doanh nghiệp
- Nâng cao thương hiệu: Tham gia chương trình giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu và quảng bá sản phẩm rộng rãi, dễ dàng tiếp cận hệ thống phân phối trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu ra quốc tế.
- Thu hút người tiêu dùng: Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thu hút người tiêu dùng tin tưởng, giúp nâng cao giá thành, gia tăng doanh số và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Cơ hội thu hút đầu tư: Doanh nghiệp có cơ hội thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển bền vững.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm: Chương trình là động lực để doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đạt và giữ vững các tiêu chí của sản phẩm OCOP.
Lợi ích đối với người tiêu dùng
- Trải nghiệm sản phẩm đặc trưng: Người dân có cơ hội biết, trải nghiệm và sử dụng các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền trên khắp cả nước một cách dễ dàng thông qua các chương trình quảng bá sản phẩm OCOP.
- Đảm bảo chất lượng: Sản phẩm OCOP được đánh giá kỹ lưỡng và chuyên nghiệp qua các cấp, đảm bảo chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng, giúp người dân yên tâm sử dụng.
- Giá cả hợp lý: Sản phẩm OCOP có giá cả phải chăng, tương xứng với chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Các nhóm sản phẩm OCOP theo quy định hiện nay
Căn cứ Quyết định 148/QĐ-TTg, sản phẩm OCOP được chia làm 6 nhóm chính sau:
– Nhóm thực phẩm:
- Nông sản, thủy sản tươi sống: các loại rau, củ, quả, hạt tươi; các loại thịt động vật/gia cầm, thủy hải sản, trứng, sữa tươi;…
- Nông sản, thủy sản sơ chế: gạo, ngũ cốc, hạt đã qua sơ chế, trà tươi…
- Nông sản, thủy sản chế biến: trà, cà phê, ca cao,…
- Các thực phẩm khác: gia vị, đồ ăn nhanh
– Nhóm đồ uống:
- Đồ uống có cồn: rượu, đồ uống có cồn khác
- Đồ uống không có cồn: nước thiên nhiên, nước khoáng, nước uống tinh khiết, đồ uống không có cồn khác
– Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu:
- Thực phẩm chức năng, chế phẩm thuốc đông y/tây y
- Mỹ phẩm từ dược liệu
- Trang thiết bị, dụng cụ y tế
- Thảo dược khác
– Nhóm thủ công mỹ nghệ:
- Thủ công mỹ nghệ trang trí
- Thủ công mỹ nghệ gia dụng
- Vải, sản phẩm may mặc
– Nhóm sinh vật cảnh:
- Hoa cảnh
- Cây cảnh
- Động vật cảnh
– Nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng/du lịch sinh thái/ điểm du lịch
- Dịch vụ du lịch cộng đồng
- Dịch vụ du lịch sinh thái
- Điểm du lịch địa phương
Nguồn: Cổng thông tin điện tử xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình